Khám Phá Chùa Wat Sisaket - Lào


Chùa Wat Sisaket tọa lạc trên đường Sethathirath góc đại lộ Lane Xang, thủ đô Viêng Chăn được xây dựng vào thế kỷ XVII.. Sisaket được coi là ngôi chùa có nhiều tượng phật nhất nước Lào với 6.840 tượng Phật lớn nhỏ và là thư viện chứa nhiều sách cổ viết bằng tay trên lá cọ. Cùng với That Luang, Phra Keo, Wat Sisaket là một trong ba ngôi chùa cổ và nổi tiếng bậc nhất ở Lào, là điểm đến tham quan thu hút du khách khi đến du lịch Lào.


Chùa có kiến trúc mái 5 tầng và hành lang bao quanh chùa chính. Có lẽ chính bởi lối kiến trúc này mà Wat Sisaket đã không bị phá huỷ khi quân Xiêm tấn côngVientianenăm 1828. Vì lí do đó mà Wat Sisaket được biết đến là ngôi chùa cổ nhất tạiVientiane. Nhưng cũng có truyền thuyết cho rằng, khi quân Xiêm định tấn công chùa, một đám mây đen phủ kín bầu trời, tất thảy quan quân thất kinh hồn vía, cho là cơn giận dữ của trời đất nên đã tự động rút lui. Nhờ thế mà duy nhất chùa Sisaket còn tồn tại, tiếp tục đóng vai trò là chốn tu hành thiêng liêng trong suốt thế kỷ XIX và cho đến tận ngày nay.

Một chi tiết thu hút du khách là dãy hành lang bao quanh “sim” (chùa chính). Những tường phía trong hành lang là nơi trưng bày hơn 2000 tượng phật lớn nhỏ được làm trong thế kỷ 16 – 19. Xung quanh hành lang có đặt hơn 300 tượng phật mang phong cách điêu khắc Lào bằng chất liệu gỗ, đá hoặc thiếc được làm tại Vientiane vào thế kỉ 16 và 19. Giá phía dưới cũng trưng bày hơn 300 tượng phật theo phong cách Lào. Dãy hành lang phía Tây có trưng bày một loạt những bức tượng bị vỡ - kết quả của cuộc tấn công của quân Xiêm năm 1828. Đáng chú ý, trong gian chính điện và một vài gian xung quanh, có rất nhiều pho tượng cổ bằng đồng mạ vàng rất quý hiếm”.Đến Sisaket, bất kỳ ai cũng phải ghé thăm "kho tượng Phật" nằm gọn bên mé trái của chùa. Tấm cửa được đóng đơn giản với những tấm gỗ thưa, để lộ ra bên trong hàng trăm bức tượng Phật lớn bé. Có bức chỉ còn thân, có bức mất tay mất chân, có cái chỉ có đế. Nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là mất đầu.


Đầu là bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể. Và tượng Phật cũng vậy, đầu là linh thiêng, là hồn của cả bức tượng. Chính vì vậy, khi tạc tượng, người thợ thả hồn và tâm trí vào phần đầu của bức tượng để làm sao khi nhìn vào đó người ta tìm thấy sự linh thiêng, kính trọng. Ngoài ra, thợ đúc, tạc tượng cũng thường gắn vào đầu của tượng những vật quý như vàng, ngọc, bạc và coi đó như cách nhập hồn cho tượng.

Chính vì giá trị cả về tâm linh lẫn vật chất như vậy mà cứ mỗi lần gặp chiến tranh, tất cả các ngôi chùa trên đất nước Lào đều bị tàn phá hoặc cướp bóc. Kẻ thù không chỉ muốn xóa bỏ đi tâm linh của người Lào mà còn muốn đem về những chiến lợi phẩm có giá trị cao. Để đảm bảo mang chiến lợi phẩm về gọn nhẹ nhất, họ thường chặt đầu tượng, đem nấu chảy rồi đúc thành thỏi mang đi.

Sau mỗi cuộc chiến tranh loạn lạc người Lào lại xây lại những ngôi chùa, đúc lại những bức tượng Phật đầy huyền bí của mình. Là những người yêu chuộng hòa bình, họ muốn nhắc nhở con cháu mình thông qua những gì còn sót lại sau những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Và căn phòng chứa những bức tượng đã bị hủy hoại sinh ra là để phục vụ cho mục đích này.


Nơi đây cũng là một bảo tàng - nơi lưu giữ hơn 8000 cuốn sách có giá trị và 6840 tượng phật được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, đá, gỗ, bạc hay thạch cao... Mặt trong của chính điện có hàng ngàn hốc nhỏ, mỗi hốc đặt một bức tượng Phật, tạo cảm giác che chở cho người cầu nguyện. Hệ thống trường lang bên ngoài cũng đặt hàng trăm bức tượng Phật lớn nhỏ. Tại đây còn có một thư viện gần 400 năm tuổi với nhiều kinh sách Phật cổ viết bằng tay trên lá cọ...

Đối với người Lào, Phật giáo là quốc đạo. Sisaket là một trong những biểu tượng của đạo Phật ở đất nước hiền hòa này. Bạn có thể gặp những ngôi chùa có ảnh hưởng của các tôn giáo khác nhưng theo thời gian, những đạo giáo này sẽ được biến đổi hướng dần về đạo Phật sao cho gần gũi với phong tục và lối sống của người Lào nhất. Sisaket cũng như tất cả các ngôi chùa khác trên đất nước Triệu voi. Hàng ngày, các nhà sư sẽ vẫn phải đi hành khất. Việc xin ăn chỉ diễn ra trong buổi sáng và hoàn toàn có thể nhận không hạn chế đồ ăn mà người dân đưa cho. Số thực phẩm này ngoài việc để phục vụ 2 bữa ăn hàng ngày còn để phúng viếng những linh hồn được gửi trong chùa. Người dân phúng đồ ăn cho nhà chùa mỗi ngày cũng một phần mong muốn được gửi gắm đồ ăn cho người thân của mình ở thế giới bên kia.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

FacebookGoogle Plus