Những Nét Văn Hóa Đặc Trưng Của Lào

Lào được nhắc đến với cái tên Triệu Voi hay còn gọi là xứ sở Champa, người anh em của Việt Nam, nới về truyền thống văn hóa và con người thì Việt và Lào có khá nhiều nét tương đồng. Đến với Lào là đến với đất nước của chùa tháp và lễ hội. Đến đi du lịch Lào du khách không thể bỏ qua những ngôi đền đài, chùa tháp, những hang động kì bí và những thác nước hùng vĩ, còn có những dãy núi cao thấp thoáng sương mù và những cánh rừng dày đặc phong phú với hàng ngàn loại thực vật khác nhau.

Nhân dân Lào có nhiều phong tục tốt đẹp được hình thành trong quá trình lịch sử. Những phong tục tập quán ấy trở thành lệ làng, được các thành viên trong bản mường thừa nhận và tự giác thực hiện. Thành viên nào làm trái lệ làng sẽ bị phạt, hình thức phạt do các già bản và tập thể bản mường quyết định. Nước Lào nằm sâu trong lục địa châu Á nơi giao tiếp giữa hai nên văn minh cổ đại là Ấn Độ và Trung Hoa. Bởi vậy trong quá trình lịch sử, nhân dân Lào còn tiếp thu các trào lưu văn hóa tràn qua các vùng này, ảnh hưởng sâu sắc nhất là phật giáo và văn hóa Ấn Độ. 

Nước Lào đất rộng, dân không đông lại gồm nhiều dân tộc, bộ tộc. Tuy cùng sinh sống bằng nghề nông nhưng trình độ sản xuất không đồng đều nên phong tục tập quán ở mỗi miền có sự khác biệt. Vì thế mà phong tục tập quán ở Lào rất đa dạng thể hiện rõ trình độ sản xuất sinh hoạt của mỗi nhóm dân tộc, bộ tộc. Nhưng ở đây chỉ đề cập đến những tập quán chủ yếu có tính phổ biến.

1. Văn hóa ăn uống



Ẩm thực Lào mang phong cách tương tự các quốc gia láng giềng là Campuchia và Thái Lan: cay, chua và ngọt. Tuy nhiên, ẩm thực lại mang những phong cách đặc trưng rất riêng.

Người Lào ăn gạo là chính; các món ăn có đặc điểm là dùng những gia vị như gừng, me, lá chanh, và nhiều loại ớt khô rất cay. Vị chính trong các món ăn hầu hết các món ăn đều có rất nhiều ớt. Chỉ riêng ớt có hàng chục món: từ ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế, ớt hầm, ớt luộc … Món ăn tiêu biểu của người Lào là sự pha trộn giữa cay và ngọt, được trung hòa thêm thảo mộc. Mắm cá (pa dek) và mắm Cheo gồm da trâu, ớt nướng, tỏi nướng, riềng nướng, đường cùng nhiều gia vị thảo mộc trộn lẫn hoặc mắm Muok gồm lòng cá trộn ớt, sả, củ hành … hầu như nhà nào cũng có và nước mắm (nám pla) được người Lào sử dụng hết sức phổ biến.

Ẩm thực Lào có những món được xem là đặc sản như : Món Tam Maak Hung còn gọi là nộm đu đủ gồm dưa muối, đu đủ, đậu đũa, cà dĩa giã rồi trộn chung với cùng hàng chục gia vị ăn rất lạ. Ngoài Tam Maak Hung còn có các món như Thoót mú đẹt điêu , tôm dâm cung, cá nướng… Mỗi món đều có các nguyên liệu khác như Lạp được làm bằng thịt heo, băm nhỏ, trộn gia vị Lào, ăn với xôi hoặc cơm, trộn chung với ớt cay, cá nướng được ướp muối ngoài da, khi nuớng chín, da cá không cháy nhưng phủ trắng lớp muối, thịt cá không dính vào da, mùi thơm, chấm với nước “chẻo” (đặc chế từ ớt, tỏi, hành, mắm, muối, bột ngọt và chanh). Món ăn từ côn trùng là loại thức ăn giàu đạm được tìm thấy rất nhiều trên đất nước Campuchia và Thái Lan và Lào. Người Lào cũng rất thích dùng côn trùng để chế biến nhiều món ăn. Từ dế cơm, trứng kiến đến con cà cuống, nhền nhện trong các món chiên, xào, dồi đậu phộng đến hấp cơm hay ngâm giấm đều rất ngon. Đắt nhất vẫn là con cà cuống - một loại côn trùng có ích sống nhiều ở đồng ruộng Campuchia với hương vị thơm cay. Tuy nhiên, món ăn từ côn trùng của Lào lại ít món hơn người Thái Lan và ít phổ biến hơn.

2. Văn hóa lễ hội

Lào là xứ sở của lễ hội, tháng nào trong năm cũng có. Mỗi năm có 4 lần tết: Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán (như ở một số nước Á Đông), Tết Lào (Bun PiMay vào tháng 4) và Tết H'mong (tháng 12). Ngoài ra còn các lễ hội: Bun PhaVet (Phật hóa thân) vào tháng 1 ; Bun VisakhaPuya (Phật Đản) vào tháng 4; Bun BangPhay (pháo thăng thiên) vào tháng 5; Bun Khao PhanSa (mùa chay) vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ người đã mất) vào tháng 9; Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10. Sau đây là một số lễ hội chính tại đất nước Lào. Lễ hội ở Lào hay còn được gọi là Bun, nghĩa là phước, làm Bun nghĩa là làm phước để được phước. Lào có tết cổ truyền Bunpimay (có nghĩa là mừng năm mới), hay còn gọi là Tết té nước diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hàng năm. Vì đạo phật ở Lào có tự lâu đời phát triển mạnh trở thành quốc đạo, các nhà chiêm tinh học tính ngày tháng theo phật lịch, nên năm mới hàng năm bắt đầu vào tháng tư dương lịch. Người Lào gọi tết là vui tết chứ không gọi là ăn tết, tất cả các cuộc vui được chuẩn bị theo truyền thống tôn giáo, phù hợp với phong tục tập quán của người Lào. Trong những ngày lễ hội vui chơi là chủ yếu, tuy nhiên họ cũng chuẩn bị đồ ăn, thức uống thịnh trọng hơn ngày thường, đặc biệt là không thể thiếu rượu. Ngày tết từ sáng sớm dân làng diện những bộ đồ đẹp nhất, nhất là chàng trai, cô gái với đủ áo váy màu sắc sặc sỡ, tập trung tại sân chùa để dự lễ tắm phật. Xong lễ tắm phật mọi nhà làm lễ buộc cổ chỉ tay cho những người thân trong nhà, tục lễ này gọi là ( pục khén ) hay còn gọi là (xù khoắn) lễ gọi hồn vía. Nhân dịp đầu năm con cháu chúc ông bà, cha mẹ, bạn bè, người thân gặp may mắn hạnh phúc. Cũng vì lẽ đó, lễ mừng năm mới còn gọi lễ té nước (gọi là Bun hốt nậm), trong những ngày lễ, thanh niên nam, nữ thường té nước cho nhau vừa chúc mừng nhưng cũng vừa để tỏ tình. Bun hốt nậm còn có ý nghĩa về chuyện chuyển năm và cũng là chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa; sau những tháng ngày hanh khô, những cơn mưa rào ập đến mang nước mát tưới cho núi rừng, cỏ cây, ruộng đồng, màu xanh tươi mát của chồi non vụt nhú lên báo hiệu một mùa làm ruộng, rẫy mới. Người dân té nước để cầu may, cầu bình yên cho cả năm, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Trong những ngày này, mọi người thăm viếng chúc tụng lẫn nhau, ăn uống vui chơi, múa hát cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người ấm no… Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc cho cuộc sống, là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc. 

3. Văn hóa ca múa nhạc



Nhân dân các dân tộc Lào rất thích ca múa, đặc biệt là các làn điệu dân ca truyền thống. Không chỉ trong những ngày lễ hội, vui chơi hợp quần… người Lào còn hay ca hát trong sản xuất ngoài ruộng nương, đi hái lượm trong rừng, xuôi ngược trên các dòng sông.

Dân ca Lào rất phong phú, giàu âm điệu, mang đậm bản sắc dân tộc được phổ biến rộng rãi trong nhân dân từ nông thôn đến thành thị. Người có công lớn trong việc sưu tầm, phổ biến và nâng cao các làn điệu dân ca là các “mỏ-lăm” (ca sĩ), “mỏ khen” (nhạc công, thổi khèn bè). Đội ngũ “mỏ lăm, mỏ khen” ngày càng phát triển trước yêu cầu thưởng thức ca múa của nhân dân ở các bản mường, trong đó có nhiều nghệ sĩ tài ba nổi tiếng vừa có thể sáng tác vừa biểu diễn được đông đảo nhân dân ưu ái, mến mộ. “Mỏ lăm” ở Lào có vị trí thật đặc biệt trong xã hội. Họ sống gần gũi nhân dân, đi đến bản làng nào cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Họ am hiểu sâu sắc cuộc sống, xã hội Lào, nắm bắt được tình cảm, ước mơ của các tầng lớp nhân dân. Có thể nói, họ là một tri thức, một nghệ sĩ của nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng.

Dân ca của Lào có nhiều loại như lăm, khắp, xỡng, kạp, ăn nẳng-xử… Mỗi loại lại mang sắc thái riêng của từng miền, từng dân tộc, từng địa phương. “Lăm” sử dụng nhiều thể loại thơ nhất được quần chúng ưa thích nhất và phổ biến trong cả nước.

Múa ở Lào cũng phổ biến rộng rãi, từ thành thị đến nông thôn. Trong những ngày lễ hội lớn nhỏ ở Lào đều tổ chức vui chơi hợp quần trong đó không thể thiếu tiết mục múa. Có điệu múa một người, hai người hoặc tập thể vài chục người (lăm-vông). Những đêm hội, già trẻ, gái trai đều tham gia múa ca một cách tự nhiên thoải mái. Các điệu múa của Lào thường uyển chuyển, nhịp nhàng theo nhịp trống, động tác khá tự do, mang đậm màu sắc dân tộc.

Các điệu múa xuất hiện sớm nhất ở Lào là múa “Bẵng-phay”, “Lăm phen”, rồi đến điệu múa “Xỉ-nuôn”, “Kò-thạt”, Đoọc-bua (hoa sen)… Múa “Bẵng-phay” là điệu múa tập thể trong ngày lễ hội pháo thăng thiên (Bẵng-phay). Múa “Lăm-phen” giống múa tiên ở Ấn Độ, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xia. Múa “Kò-thạt” là múa tập thể xung quanh ngọn tháp trong các ngày lễ hội tôn giáo. Đặc biệt là múa “lăm-vông” (múa vòng tròn) tuy xuất hiện sau nhưng được phổ biến rộng rãi từ Bắc xuống Nam, từ nông thôn đến thành thị và được coi như điệu múa tập thể tiêu biểu của dân tộc. Múa “lăm-vông” xuất hiện vào thời điểm nào của lịch sử, đến nay chưa có lời giải đáp thống nhất của các nhà nghiên cứu văn hóa Lào, nhưng nó đã tồn tại nhiều thập kỷ qua và ngày nay nó vẫn có vai trò thật đặc biệt. Trong các ngày lễ hội, dịp vui chơi tập thể, các buổi liên hoan của một cơ quan, nhà trường, đơn vị vũ trang đều mở đầu và kết thúc bằng “lăm-vông”. Từng đôi nam nữ (có thể cả hai đều là gái hoặc trai) múa vòng tròn theo nhịp trống (nhịp 2/4 hoặc 4/4). “Lăm-vông” dễ múa, động tác sinh động, duyên dáng, uyển chuyển. Có thể “lăm-vông” xuất phát từ điệu múa “lăm-thôn” (múa 1 người).

Múa cung đình có múa đơn, múa đôi hoặc tập thể. Các vũ nữ múa cung đình được tuyển chọn kỹ và tập luyện khá công phu do một số nghệ sĩ được đào tạo ở nước ngoài (thường ở Ấn Độ hoặc Khơ-me) hướng dẫn. Khi biểu diễn các vũ nữ được ăn mặc hết sức lộng lẫy, sang trọng. Múa cung đình ít di chuyển, mà thường múa tại chỗ, kết hợp biểu diễn nhiều động tác mềm mại, dịu dàng, uốn lượn của ngón tay, bàn tay, cánh tay, vai, cổ, đầu, bàn chân cho đến ánh mắt, nụ cười, nét mặt theo tiếng đàn “la-nát”. Múa cung đình là dịp mua vui cho nhà vua, hoàng tộc và số quan chức gần gũi nhà vua. Một số điệu múa cung đình Lào được mô phỏng theo các điệu múa cổ Ấn Độ, Khơ-me và xoay quanh đề tài đề cao, chúc tụng, sùng bái nhà vua.

Về nhạc cụ người dân Lào thường dùng các loại sau:

- Khèn bè (khen): Là loại nhạc cụ phổ biến nhất ở các bản làng từ Bắc xuống Nam. Khèn bè dễ làm, dùng nguyên liệu ngay trong rừng, dưới sự hướng dẫn của “mỏ-khèn”, các tràng trai trong bản có thể tự làm được. Nhưng để có chiếc khèn bè âm thanh chuẩn phải tìm mua ở các chợ phiên, do các nghệ nhân chuyên sản xuất bày bán. Từ lúc còn tuổi thiếu niên con trai Lào đã học thổi khèn.

- Trống (kong): Trống cũng là nhạc cụ phổ biến ở Lào. Có thể nói rằng không có bản làng nào ở Lào không có trống và không ngày nào vắng tiếng trống, tiếng mõ ngân vang (bản có chùa). Có nhiều loại trống như trống cái, trống cơm, trống con…

Trống cơm (koong-tũm): Trống cơm được đánh cùng với một số nhạc cụ khác để múa tập thể trong ngày lễ hội “bẵng-phay” (pháo thăng thiên). Trống con (Koong kình) được đánh trong các buổi lễ cầu phúc.

Ngoài ra còn nhiều loại nhạc cụ khác được dùng phổ biến trong các ngày lễ hội sản xuất, tôn giáo, ma chay như: “khoọng” (chiêng), “xình” (rạo bạt), “pì” (sáo), “khùi” (tiêu), “mạc chặp pì” (đàn), “xo” (nhị), “pôông” (mõ), “xèng” (thanh la)…

4. Văn hóa trang phục

Từ lâu trong mỗi bản mường, nhân dân có khả năng tự túc được các loại chăn, vải. Khi chưa có thuốc nhuộm, người Lào dùng các loại quả rừng, củ rừng. Các cô gái thích mặc vải hoa, vải kẻ có màu đậm, tươi tắn như màu cỏ cây hoa lá tự nhiên trong rừng núi bao la trùng điệp của quê hương mình. Kiểu áo quần, màu sắc cũng được chú ý sao cho tiện lợi, phù hợp với từng mùa, từng hoàn cảnh cụ thể khi đi lao động sản xuất, dự lễ hội, cưới xin, ma chay…

Thanh niên Lào thường cắt tóc ngắn, mặc áo cổ tròn tay ngắn, quần đùi, bên ngoài quấn chiếc khăn gọi là “phạ-xà-rông” màu, kẻ ô vuông. Khi đi lao động ngoài ruộng rẫy, nam giới mặc quần đùi hoặc quần dài nhuộm chàm. Những ngày lễ hội trang trọng, nam giới mặc y phục dân tộc. Đó là chiếc áo sơ mi cổ tròn, khuy vải, cài về phía tay trái. Bên ngoài chiếc quần đùi giản dị, các chàng trai Lào quấn chiếc khăn dài rộng gọi là “phạ nhạo nếp tiêu” màu sắc sặc sỡ (rộng hơn phạ-xạ-rông, khi mặc cuốn qua háng rồi nhét vào cạp sau). Gia đình khá giả mặc loại toàn tơ tằm. Một số thanh niên còn quàng loại khăn màu chéo qua ngực gọi là “phạ-biềng”. Đi dự những ngày lễ hội trong bản mường người thanh niên có thể mặc bộ y phục dân tộc cũ nhưng nếu mặc áo quần ngắn thì bị dân bản đánh giá thiếu sự tôn trọng cộng đồng, phong tục truyền thống của dân tộc. Trong lễ hội cũng như lúc bình thường, nam giới ở Lào hay đeo nhẫn, một số địa phương ở Nam Lào còn đeo dây chuyền. Trong cuộc sống lao động hàng ngày, người Lào còn thường dùng một loại khăn gọi là “phạ-phe” (giống khăn rằn ở miền Nam). Ở Lào khăn rằn được sử dụng một cách phổ biến trong cả nước, ở mọi lứa tuổi. Chiếc khăn vải kẻ ô vuông màu trang nhã thường được dùng làm khăn tắm, trùm đầu che nắng che sương, quàng cổ khi trời giá rét. Đi lao động ngoài ruộng rẫy, đi đường xa “phạ-phe” dùng để gói bộ quần áo thắt ngang lưng rất gọn gàng.

Lúc còn nhỏ, phụ nữ Lào để tóc hoặc hớt tóc. Trên mười tuổi thường búi tóc, một số địa phương như ở Luổng-pha-bang có tục búi tóc lệch hoặc thẳng để phân biệt giữa các cô gái có chồng và chưa có chồng. Ngoài năm mươi tuổi, phụ nữ Lào thường hay cắt tóc ngắn với quan niệm đã về già cần ăn mặc giản dị, gọn gàng, làm gương cho con cháu. Xưa kia cũng như ngày nay phụ nữ Lào thường mặc váy. Theo tập quán cổ truyền, phụ nữ Lào mặc váy có cạp, có gấu, không quá ngắn hoặc quá dài. Ai không mặc như trên hoặc dùng vải quá mỏng, quần chẽn bó lấy thân bị coi là không đứng đắn, trái với cách ăn mặc truyền thống của phụ nữa Lào. Các em bé gái dưới mười tuổi có thể châm chước trong cách ăn mặc nhưng vẫn kỵ mặc đảo ngược gấu váy lên trên. Đi lao động ngoài ruộng rẫy như gặt hái, làm cỏ, hái lượm trong rừng, phụ nữ mặc áo tay dài nhuộm màu chàm hoặc đen. Người lớn tuổi hay quấn trên đầu chiếc khăn rằn (phạ-phe). Đi dự lễ hội, phụ nữ Lào ăn mặc theo truyền thống dân tộc. Đó là váy toàn tơ, chân váy có những đường hoa văn mang màu sắc dân tộc, chiếc áo tay ngắn được may cầu kỳ hơn, có những đường viền hoặc thêu hình hoa lá, chim muông. Có cô gái mặc áo đính bằng khuy đồng hay khuy bạc, quàng chéo trước ngực chiếc khăn “phạ-biềng” màu. Bó sát lưng làm nổi thân hình thon thả của các cô gái là chiếc dây thắt lưng bằng đồng hay bạc gọi là “khểm-khắt”. Đi dự các ngày lễ hội các cô gái Lào thích đeo đồ trang sức như hoa tai, dây chuyền, nhẫn bằng vàng hay bạc. Nhưng phổ biến nhất là đôi bông tai và chiếc thắt lưng, đó là những vậy kỷ niệm của người con gái được cha mẹ sắm cho từ thưở nhỏ.

Chuyện Kể Về That Luang Stupa - Lào


That Luang Stupa là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của Lào và là di tích quốc gia. That Luang Stupa, vàng Bảo Tháp hay Đại Tháp Từ Bi được xây dựng vào thế kỷ III trước công nguyên các nhà truyền giáo Asoka đã dựng lập một đềnn thờ tại đây để tôn tri xá lợi của Đức Phật thời điểm này That Luang Stupa rất nhỏ và làm bằng đá. Sau đó, năm 1560 That Luang Stupa được xây dựng lại bởi vua  Xaysetha và kết thúc vào năm 1566 khi ông dời đô từ Luang Prabang đến Viêng Chăn. Trong triều đạị của vị vua cuối cùng của Vương quốc Lan Xang - vua Anouvong That Luang đã bị người Xiêm (Thái Lan) xâm chiếm vào năm 1828 làm cho nó bị hư hại nặng nề và để rò lại bị lãng quên lần nữa. Mãi cho đến năm 1900, khi có nhóm kiến trúc sư người Pháp khôi phục lại thiết kế ban đầu của nó dựa vào bản vẽ chi tiết từ năm 1867. Tuy nhiên những nỗ lực ban đầu để khôi phục lại nó đã không thành công và sau đó nó đã được thiết kế, xây dựng lại trong những năm 1930. Trong chiến tranh thế giới thứ II That Luang bị hư hỏng nặng trong cuộc công kích của Thái Lan. Đến năm 1975, khi Lào tuyên bố độc lập thì That Luang mới được tu sửa lại như ngày nay.


Tháp bao gồm 30 tháp nhỏ, dài 69 mét, cao 45 mét. Mỗi tầng của kiến trúc ba tầng này đều phản ảnh một phần của giáo lý Phật đà. Tầng thứ nhất dài 226 ft ngang 223 ft, tầng thứ hai mỗi cạnh dài 157 ft, tầng thứ ba mỗi cạnh dài 98 ft. Từ mặt đất lên tới chóp của ngôi tháp có độ cao 147.6 ft. Các thành vách chung quanh tu viện mỗi cạnh dài gần 279 ft với một số lớn những nét chạm trỗ của Lào và Khmer.Trung tâm của tháp là một khối lớn uy nghi, trang nhã vươn lên cao như hình mũi tên. Đế của khối trung tâm là một đài sen hình vuông đang nở tung những cánh vàng ra bốn phía – biểu tượng của nhà Phật. Trên đài sen là bệ cao có hình vuông và có cấu trúc phức tạp. Chân bệ là những nấc vuông càng lên cao càng nhỏ lại để rồi phình ra ở trên thành một gờ lớn hơi ngả ra ngoài làm chỗ đứng vững chãi cho hình quả bầu thon thả phía trên.

Mỗi tầng của ngôi đền có một kiểu kiến trúc khác nhau dựa trên học thuyết Phật giáo. Tầng 1 có hình dạng vuông chính là bệ của ngôi đền. 4 cổng cầu nguyện có mái vòm, mỗi hướng một cổng, có cầu thang ngắn dẫn lên tầng 2. 

Tầng 2 được bao bọc bởi 120 cánh hoa sen. Tầng này có 30 chóp nhỏ biểu tượng cho các đức tính cao quý của Đức Phật bắt đầu vớii sự độ lượng và kết thúc bằng sự thanh tịnh. 

Những cánh cổng có mái vòm dẫn đến cửa tiếp theo. Tòa tháp trung tâm cao vút với lõi đá được trát vữa bên ngoài đặt trên một bệ đá hình chén tròn để tưởng nhớ đến tòa tháp Đức Phật ở Sanchi. Trên đỉnh tháp này bắt đầu một kiến trúc khác có các cánh hoa sen bao bọc. 

Kiểu xoắn ốc bốn góc cạnh và có dáng cong giống như một búp sen thon dài và tượng trưng cho sự phát triển của hoa sen từ hạt mầm nhỏ nhắn ở đáy hồ đến khi thành đóa sen tươi thắm trên mặt hồ. Cũng giống như sự phát triển của con người từ sự mê muội đến khi giác ngộ Phật giáo. Tháp được tô điểm hoa chuối và lọng che bên trên. Toàn bộ cấu trúc còn lại được mạ vàng vào năm 1995 để kỷ niệm nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tròn 20 tuổi..


Khám Phá Chùa Wat Sisaket - Lào


Chùa Wat Sisaket tọa lạc trên đường Sethathirath góc đại lộ Lane Xang, thủ đô Viêng Chăn được xây dựng vào thế kỷ XVII.. Sisaket được coi là ngôi chùa có nhiều tượng phật nhất nước Lào với 6.840 tượng Phật lớn nhỏ và là thư viện chứa nhiều sách cổ viết bằng tay trên lá cọ. Cùng với That Luang, Phra Keo, Wat Sisaket là một trong ba ngôi chùa cổ và nổi tiếng bậc nhất ở Lào, là điểm đến tham quan thu hút du khách khi đến du lịch Lào.


Chùa có kiến trúc mái 5 tầng và hành lang bao quanh chùa chính. Có lẽ chính bởi lối kiến trúc này mà Wat Sisaket đã không bị phá huỷ khi quân Xiêm tấn côngVientianenăm 1828. Vì lí do đó mà Wat Sisaket được biết đến là ngôi chùa cổ nhất tạiVientiane. Nhưng cũng có truyền thuyết cho rằng, khi quân Xiêm định tấn công chùa, một đám mây đen phủ kín bầu trời, tất thảy quan quân thất kinh hồn vía, cho là cơn giận dữ của trời đất nên đã tự động rút lui. Nhờ thế mà duy nhất chùa Sisaket còn tồn tại, tiếp tục đóng vai trò là chốn tu hành thiêng liêng trong suốt thế kỷ XIX và cho đến tận ngày nay.

Một chi tiết thu hút du khách là dãy hành lang bao quanh “sim” (chùa chính). Những tường phía trong hành lang là nơi trưng bày hơn 2000 tượng phật lớn nhỏ được làm trong thế kỷ 16 – 19. Xung quanh hành lang có đặt hơn 300 tượng phật mang phong cách điêu khắc Lào bằng chất liệu gỗ, đá hoặc thiếc được làm tại Vientiane vào thế kỉ 16 và 19. Giá phía dưới cũng trưng bày hơn 300 tượng phật theo phong cách Lào. Dãy hành lang phía Tây có trưng bày một loạt những bức tượng bị vỡ - kết quả của cuộc tấn công của quân Xiêm năm 1828. Đáng chú ý, trong gian chính điện và một vài gian xung quanh, có rất nhiều pho tượng cổ bằng đồng mạ vàng rất quý hiếm”.Đến Sisaket, bất kỳ ai cũng phải ghé thăm "kho tượng Phật" nằm gọn bên mé trái của chùa. Tấm cửa được đóng đơn giản với những tấm gỗ thưa, để lộ ra bên trong hàng trăm bức tượng Phật lớn bé. Có bức chỉ còn thân, có bức mất tay mất chân, có cái chỉ có đế. Nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là mất đầu.


Đầu là bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể. Và tượng Phật cũng vậy, đầu là linh thiêng, là hồn của cả bức tượng. Chính vì vậy, khi tạc tượng, người thợ thả hồn và tâm trí vào phần đầu của bức tượng để làm sao khi nhìn vào đó người ta tìm thấy sự linh thiêng, kính trọng. Ngoài ra, thợ đúc, tạc tượng cũng thường gắn vào đầu của tượng những vật quý như vàng, ngọc, bạc và coi đó như cách nhập hồn cho tượng.

Chính vì giá trị cả về tâm linh lẫn vật chất như vậy mà cứ mỗi lần gặp chiến tranh, tất cả các ngôi chùa trên đất nước Lào đều bị tàn phá hoặc cướp bóc. Kẻ thù không chỉ muốn xóa bỏ đi tâm linh của người Lào mà còn muốn đem về những chiến lợi phẩm có giá trị cao. Để đảm bảo mang chiến lợi phẩm về gọn nhẹ nhất, họ thường chặt đầu tượng, đem nấu chảy rồi đúc thành thỏi mang đi.

Sau mỗi cuộc chiến tranh loạn lạc người Lào lại xây lại những ngôi chùa, đúc lại những bức tượng Phật đầy huyền bí của mình. Là những người yêu chuộng hòa bình, họ muốn nhắc nhở con cháu mình thông qua những gì còn sót lại sau những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Và căn phòng chứa những bức tượng đã bị hủy hoại sinh ra là để phục vụ cho mục đích này.


Nơi đây cũng là một bảo tàng - nơi lưu giữ hơn 8000 cuốn sách có giá trị và 6840 tượng phật được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, đá, gỗ, bạc hay thạch cao... Mặt trong của chính điện có hàng ngàn hốc nhỏ, mỗi hốc đặt một bức tượng Phật, tạo cảm giác che chở cho người cầu nguyện. Hệ thống trường lang bên ngoài cũng đặt hàng trăm bức tượng Phật lớn nhỏ. Tại đây còn có một thư viện gần 400 năm tuổi với nhiều kinh sách Phật cổ viết bằng tay trên lá cọ...

Đối với người Lào, Phật giáo là quốc đạo. Sisaket là một trong những biểu tượng của đạo Phật ở đất nước hiền hòa này. Bạn có thể gặp những ngôi chùa có ảnh hưởng của các tôn giáo khác nhưng theo thời gian, những đạo giáo này sẽ được biến đổi hướng dần về đạo Phật sao cho gần gũi với phong tục và lối sống của người Lào nhất. Sisaket cũng như tất cả các ngôi chùa khác trên đất nước Triệu voi. Hàng ngày, các nhà sư sẽ vẫn phải đi hành khất. Việc xin ăn chỉ diễn ra trong buổi sáng và hoàn toàn có thể nhận không hạn chế đồ ăn mà người dân đưa cho. Số thực phẩm này ngoài việc để phục vụ 2 bữa ăn hàng ngày còn để phúng viếng những linh hồn được gửi trong chùa. Người dân phúng đồ ăn cho nhà chùa mỗi ngày cũng một phần mong muốn được gửi gắm đồ ăn cho người thân của mình ở thế giới bên kia.

Du Lịch Lào: Thác Khone Phapeng - Lớn Nhất Đông Nam Á

Nếu trên thế giới, mọi người đều biết và mong ước được một lần đến với thác Niagara huyền ảo nổi tiếng ở Mỹ thì khi đến du lịch Lào, du khách chắc hẳn sẽ không thể bỏ qua Thác Khone Phapeng. 


Khone Phapeng là một đoạn chảy của dòng sông Mê Kông dài 4000km từ Tây Tạng. Đây là thác lớn nhất Đông Nam Á với nhiều dòng xoáy và ghềnh đá hiểm trở. Chỉ khi nào được “mục sở thị” thì du khách sẽ hiểu tại sao thác Khone Pha Pheng lại nổi tiếng đến vậy.

Với độ cao của thác nước này là 21 m, gồm nhiều thác ghềnh nhỏ kéo dài trên 10 km theo chiều dài sông.


Thác nước này là nơi sinh sống của cá tra dầu, một loài cá da trơn đang nguy cấp và được coi là loài cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới. 

Khone Phapheng còn thu hút du khách bởi đây là nơi duy nhất ở Đông Nam Á mà người ta có thể chiêm ngưỡng những con cá heo mỏ. Đến đây, du khách có thể ngồi nhìn người dân địa phương bắt cá, hoặc thuê xuồng đi đánh cá heo nước ngọt giỡn sóng hay thả mình tự do trên những phiến đá ven bờ lắng nghe tiếng thác đổ rầm rầm vang ngân.

Những Điều Cần Tránh Khi Đi Du Lịch Lào


Với phong cảnh thiên nhiên yên bình những cũng không kém phần hùng vĩ, du lịch Lào đang ngày càng thu hút đông đảo du khách tham gia. Để có một chuyến du lịch Lào hoàn hảo, tuyệt vời và an toàn nhất, bạn cần có những kinh nghiệm gì? Hãy tham khảo các gợi ý sau của Blog nhé !  

- Lưu ý trong giao tiếp với người bản xứ


Ở phương Tây, du khách có thể hôn tay, ôm eo, hôn má… phụ nữ. Tuy nhiên, ở Lào đây là hành động tối kị. Mặc dù bạn muốn tỏ ra thân thiện nhưng những hành động ôm eo, khoác vai hay bỡn cợt… đặc biệt là với những cô gái chưa chồng thì càng bị xem là khiếm nhã. Ngay cả ở những điểm dịch vụ massage mà bạn cũng có hành động tương tự thì người chủ khách sạn sẽ báo cảnh sát và lập tức bạn bị xử phạt.

Có hành động sờ, hay vỗ đầu một người Lào (đặc biệt là đàn ông) thì không những là điều kiêng cử mà còn bị xem là sự xúc phạm nặng nề, thậm chí có thể dẫn đến ẩu đả gây thương tích.

Du khách không nên tự ý sờ vào các đồ vật trong các gia đình người Lào hay đến bất kỳ một điểm tham quan nào đó. 

- Lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày

Người Lào rất tôn thờ Đạo Phật. Khi đến thăm chùa chiền, du khách tuyệt đối không được làm mất trật tự, ăn mặc hở hang hay có những lời nói khiếm nhã, trêu ghẹo. Du khách không nên quay lưng vào tượng Phật hay í ới gọi nhau trong chùa. Đặc biệt, du khách hãy thật chú ý các biển cấm ở đây. 

Khi tham gia giao thông, du khách không nên bấm còi inh ỏi. Mặc dù hành động không bị cấm ở đất nước này, nhưng người dân Lào thường xem chiếc còi… là chi tiết thừa nhất trên một cái xe!.

Ý thức chấp hành luật giao thông ở nước này rất cao. Người Lào cũng nhường nhịn nhau khi đang lưu thông.

Khi đi qua một làng bản mà du khách thấy nơi cổng vào làng có một sợi dây kết bằng bông vải giăng ngang hoặc một ký vật, một ký hiệu đặc biệt, tục gọi Tà-léo - tùy địa phương, thì phải hiểu là dân trong làng này cấm người lạ vào làng. Thường là vì trong làng đang có trường hợp bệnh lạ hay người chết một cách khó hiểu có thể gây sự truyền nhiễm, hoặc hôm đó nhằm một ngày kiêng cử của làng.

Khi ngủ ở nhà người bản xứ, du khách không được hướng đầu về phía cửa ra vào. Buổi tối, du khách không nên hớt tóc hay cạo râu, phải kiêng hớt tóc vào ngày thứ tư và kiêng gội đầu vào ngày thứ năm và không được giã cối trống trong nhà người ta hay là chui qua dây mà ở trên có phơi áo quần của phụ nữ.

Ngắm Thủ đô Lào Từ Tháp Patuxay


Patuxay vẫn được coi là Khải hoàn môn của thành phố Vientiane nằm ngay trên đại lộ Lanexang đẹp nhất Thủ đô nước Lào.


Tháp gồm 7 tầng chính và 2 tầng phụ. Đứng ở tầng thứ 7 của Patuxay, du khách có thể quan sát toàn cảnh thành phố Vientiane với khu vực quảng trường rộng lớn với cây xanh, đài phun nước và hệ thống giao thông của thành phố, thấy rõ một sự bình yên bao trùm khắp thủ đô mang màu sắc Phật giáo...

Xung quanh Patuxay là trụ sở của các cơ quan quan trọng của Lào. Một bên là trụ sở Văn phòng Chính phủ mới được xây dựng khang trang, một bên là UBND TP Vientiane. Đường lên tháp Patuxay là cầu thang bộ. Với độ cao kết hợp với cầu thang chật điển hình của các tòa tháp, du khách sẽ có cảm giác đang thăm một ngọn hải đăng nào đó. Các cửa sổ bên cầu thang của tòa tháp được thiết kế khéo léo dưới dạng những bức tượng Phật. Một số tầng tháp được dành cho việc bán đồ lưu niệm cho du khách. 


Đi giữa trung tâm Vientiane, Tháp Patuxay nổi bật bởi độ cao và bởi cả hai phía đều là những trục giao thông chính, nên du khách có thể quan sát Tháp từ xa cho đến gần, và cuối cùng là thám hiểm độ cao của chính nó cũng như nhìn lại những nơi mình vừa đi qua ở Thủ đô Vientiane… Nếu có dịp đến du lich Lao, du khách hãy một lần đứng trên Patuxay, Vientiane sẽ ở trong tầm mắt bạn.

Món ngon ở Lào


Đến với du lịch Lào, bạn không chỉ được ngắm những ngôi chùa cổ kính soi bóng bên dòng Mê Kông mênh mang, mà còn được đắm chìm trong hương vị hấp dẫn của nhiều món ăn.
Những món ăn Lào mang hương vị đặc trưng gần giống với Campuchia hay Thái Lan chính là  cay, chua và ngọt. Tuy nhiên, dưới bàn tay chế biến của người dân Lào, các món ăn nơi đây trở nên có nét tinh tế riêng biệt từ tên gọi đến mùi vị.

1. Lạp


Khi nhắc tới ẩm thực Lào thì không thể không nhắc đến món lạp. Đây là món ăn phổ biến tại tất cả các vùng miền của Lào. Nguyên liệu làm món ăn này có thể dùng thịt bò, thịt lợn, thịt gà… trộn với gan băm nhỏ và gia vị như nước cốt chanh, ớt, riềng, thính nếp. Sau khi trộn đều, món lạp sẽ ăn kèm rau sống như diếp cá, xà lách, đậu đũa… tất cả cùng hòa quyện tạo nên mùi thơm cực kỳ hấp dẫn. Vị chua của nước cốt chanh, vị cay của ớt, vị thơm của gia vị… đưa đến cho bạn một cảm nhận khó quên. 

2. Gà Savanakhet


Đây là một món ăn vô cùng hấp dẫn được chế biến từ gà quê thả rông, thịt thơm, ngon, săn chắc. Gà sau khi làm sạch sẽ được kẹp vào que tre, đặt trên than hồng nướng tới lúc chín. Gà Savanakhet được coi là món ăn đặc sản ở vùng miền Nam nước Lào.

3. Món ăn từ côn trùng


Giống như người Campuchia và Thái Lan, người Lào cũng rất thích các món ăn được chế biến từ côn trùng. Từ dế cơm, trứng kiến, đến con cà cuống, nhền nhện trong các món chiên, xào, dồn đậu phộng đến hấp cơm hay ngâm giấm đều rất ngon. Những món ăn từ côn trùng có thể được coi là “quốc túy” của ẩm thực đường phố ở Lào.

4. Phở Lào.


Tới Lào, du khách không khó để tìm các quán ăn bán món phở. Tuy nhiên, món phở Lào có nhiều khác biệt với món phở Việt. Đầu tiên phải kể đến hương vị phở Lào không cho quế, hồi… mà chỉ dùng nước ninh xương để khách cho gia vị tùy í. Trong tô phở luôn có 2-3 miếng tiết lợn và mọc. Rau sống ăn kèm ngoài húng quế, xà lách thì không thể thiếu được đậu đũa tươi được cắt thành khúc, để thực khách chấm cùng mắm tôm sống. 

Khi ăn sự hòa trộn giữa gia vị như nước tương, tương ớt, tiêu và các loại rau cùng nước ninh xương nguyên chất đưa đến cho thực khách vị ngon thấm vào đầu lưỡi.

Để thưởng thức những món ngon, đặc sản ở Lào, du khách có thể ghé qua những con phố nổi tiếng như Nam Phou, Vientiane hay PhonsanvanKang, Xieng Khuang và chuỗi các nhà hàng ở  Luang Prabang….

FacebookGoogle Plus